Mass Media

Hôm qua có dịp chat với một nhà báo VN, và một điểm gây tranh cãi khiến mình suy nghĩ cho đến tận hôm nay. Có lẽ do cô ta nói mình ‘giáo điều’, ‘sống trên mây’ (??? hiểu thế nào đây khi mà người nói không giải thích cụ thể là như thế nào). Nhưng cái điểm gây tranh luận bắt đầu từ câu nói của cô ta ‘bạn và mình sống, tuân thủ nguyên tắc và phục vụ hai thể chế khác nhau’. Mình đồng ý chữ sống , nguyên tắc, và hai thể chế khác nhau, nhưng không đồng ý chữ phục vụ. Luận điểm của mình cho rằng chỉ có cô ấy phục vụ thể chế của cô ấy còn mình thì phải được thể chế của mình phục vụ, vì mình đóng thuế nuôi nó, và sự ràng buộc giữa hai bên chính là nguyên tắc, tức là hợp đồng lao động và qui tắc làm việc. Cô ta còn nói nhiều nữa, và một ý là cô ta không có sự lựa chọn nào khác là ‘phục vụ thể chế của mình’.

Có lẽ câu chuyện này khiến mình suy nghĩ vì liên quan rất nhiều tới vấn đề mình từng nghiên cứu. Bản thân mình từng làm ‘cho’ và ‘với’ nhiều ‘thể chế’ khác nhau, kể cả ‘thể chế’ của cô phóng viên nọ, nhưng mình không nghĩ là không thể chuyển đi nơi khác. Kế nữa là ở Vn không phải chỉ có 1 loại ‘thể chế báo chí’, huống hồ chi gần đây anh Hợp nói (chỉ) cần giữ đúng lề bên phải, chứ đâu có bắt buộc phải dùng loại xe nào đâu. Lề phải là luật lệ giao thông, còn xe tức là thể chế, có thể các loại xe 2 bánh và 4 bánh hoạt động giống nhau, nhưng thuộc 2 thể chế khác nhau vì người lái loại xe này cần phải tập mới sử dụng được loại xe kia. Đó là chưa kể còn có thêm xích-lô cũng là một loại xe khó sử dụng, hay xe bò, xe ngựa, máy bay cũng có thể chạy trên đường vậy.

Vậy cho nên mình chịu khó lục lại quyển sách cũ của ông thầy sau này làm bộ trưởng trong chính phủ Ba Lan, chỉ ra ít nhất có vài loại ‘thể chế’ báo chí khác nhau, đều có thể dùng để ‘chạy giữ lề bên phải’ được. Xe tay lái nghịch còn chạy được cơ mà, phải không bạn. Tomasz Goban-Klas http://www.linkedin.com/pub/0/819/8, http://www.cyf-kr.edu.pl/~usgoban/prog.html Media i Komunikowanie masowe – Teorie i analizy prasy, radia, telewizji i Internetu, PWN 2000 http://ukarola.bazarek.pl/opis.php/id,126969/title,MEDIA-I-KOMUNIKOWANIE-MASO…. Cái này dùng cho hết cả 4 loại truyền thông phổ biến hiện nay là báo in, radio, tv và Internet. Có lẽ là luận văn trên TS (dr hab) của ông này sau thời gian chu du thế giới và qua dạy ở Hàn quốc. Trước hết chữ media, nó là tiếng Latin, là số nhiều của medium, tức là cái gì đó trung chuyển, kiểu như phương tiện chuyên chở vậy. Như ở Ba Lan chữ media còn dùng để chỉ hệ thống ống dẫn nước (sạch và thải) trong nhà. Các nước phát triển trên thế giới đều có ngành Media study, tức là nghiên cứu truyền thông, tách biệt với người liên lạc với truyền thông (PR), và người làm truyền thông (journalist), trong khi theo hiểu biết của mình ở VN mới chỉ có đào tạo cái ngành cuối cùng.

Quay lại cái chữ media thì ngay như ở Vn cũng gọi là kênh (dẫn nước) truyền (tải, chuyển) thông (tin?), mỗi tội lại là số ít trong khi bản chất chữ media là số nhiều. Nhưng thôi, cứ tạm công nhận vì dịch như vậy ít nhiều đã hiểu đúng nghĩa gốc, và đồng thời cũng định nghĩa luôn media là một kênh dẫn, mà nếu đã dẫn thì phải theo một cấu trúc nào đó. Tạm thời có 4 loại cấu trúc cơ bản (thể chế) như vậy (chương 3 Modele Procesu Komunikowania str.52-57). Trước hết là coi media là đường dẫn (kênh) một cái thông điệp (thông) từ người phát đến người nhận (tin).

Transmitter ———–message————>>> Receiver

Đơn giản vậy thôi nhưng có hàng chục mô hình con trong riêng loại cấu trúc cơ bản thứ nhất này. Ví dụ như Serge Tchakhotine từ năm 1939 đã nghiên cứu hệ thống báo chí của Hetler và đưa ra mô hình tuyên truyền (propaganda). Người phát tin sẽ có động cơ nhất định và biến thành nội dung chuyển tải đến đám đông, mà sau đó trong bối cảnh nhu cầu (podped – Pl) của con người cùng tâm lý cá nhân cùng tập quán, thông điệp tuyên truyền sẽ khiến người nghe tin tưởng và làm theo ý đồ của người phát tin – theo đúng nguyên lý mà Platon từng tìm ra. Mô hình xưa như Diễm này cũng chính là cái mà rất nhiều nhà báo ở Vn đang đi theo.

Một mô hình con khác trong cấu trúc cơ bản trên được Harold Lasswell xây dựng từ năm 1948 và khá phổ biến trong ‘trường phái báo chí Mỹ’. Nói tóm lại là mô hình này trả lời câu hỏi Ai nói, nói Cái Gì, nói bằng kênh Nào, nói Cho Ai nghe, và nhằm Kết quả gì. Đây là 5 bước cơ bản mà bất cứ chuyên gia tiếp thị nào cũng cần phải biết khi làm quảng cáo cho sản phẩm của mình, có đúng không bạn? Mô hình này cũng khá giống với một mô hình toán của Claude Shannon, dùng trong ngành tin học (informatic) và công nghệ thông tin (IT), thay các chữ mà dân Marketing và báo chí hay dùng bằng những từ như Channel (lại kênh nữa), signal (tín hiệu), và noise (nhiễu).

Cũng trong cấu trúc cơ bản A -> B này dân ngành tâm lý xã hội cũng tạo ra mô hình riêng cho mình, như trường hợp Kurt Lewin (social psychology) năm 1947, đưa ra khái niệm về cái cổng lọc (gate và gate-keeper – người canh cổng – có nhiệm vụ stimulate thông tin đến các thành viên còn loại trong xã hội). Tương tự như vậy có Katz và Lazarsfeld qua nghiên cứu kết quả bầu cử Mỹ năm 1955 đưa ra một mô hình phức tạp hơn, bao gồm hai cấp độ chuyển tải thông tin, mà gate keeper ở đây thay bằng khái niệm opinion leaders – kiểu như già làng ở Vn. Mô hình này có thể được phát triển lên theo như kiểu của Westley và MacLean năm 1957, đơn giản là (X1..Xn) –> A –> C –> B.

Nếu bạn có học triết học Mác chắc còn nhớ khái niệm Cấu trúc thượng tầng (nhà lãnh đạo) và Cơ sở hạ tầng của xã hội. Dân xã hội học có thể nhìn họ như hai nhóm trong xã hội, mà nhóm thứ nhất làm báo cho nhóm thứ hai đọc, tức là chuyển thông tin, và do ảnh hưởng bên trong cấu trúc xã hội của nhóm nhận tin sẽ tạo ra một luồng thông tin khác ảnh hưởng lên nhóm thứ nhất. Ví dụ nhà nước cho phép đưa tin về PMU 18, dân chúng phản ứng sao đó tới một lúc tạo thành sức ép đòi nhà nước phả
i cho một thiếu tướng cảnh sát tạm nghỉ một thời gian bất kể có tội hay không. Mô hình này cũng có thể dùng với một công ty muốn quảng bá sản phẩm của mình nhưng vì lý do nào đó ảnh hưởng của các quảng cáo có thể khiến trưởng phòng PR hay tổng giám đốc mất chức như chơi. Mô hình do Riley xây dựng năm 1959, còn ví dụ là do Chaien tớ vừa nghĩ ra năm 2007. hi hi.

Trong ví dụ PMU18, bạn có phát hiện ra một dòng tín hiệu chạy ngược từ B về A trong con kênh vốn chảy nước từ A sang B không. Đây cũng chính là điều mà DeFleur ‘nhìn thấy’ năm 1966, gọi cái luồng thông tin đi từ người nhận tin, bây giờ trở thành người phát tin, phát trở lại tới người phát tin, tiếng Anh gọi cái thông tin đó là feed-back, phản hồi. Nhiều trang báo mạng cho độc giả comment bài viết, và nhiều lúc comment đó làm người viết mất uy tín, mất việc, thay đổi chính kiến (negative), hoặc cũng có khi nhờ comment mà người viết lại tìm thấy đề tài mới, tư liệu mới để phát triển thêm, viết tiếp một bài nữa (positive), và lại nhận feedback nữa. Cứ như vậy chúng ta có thể vẽ ra một cái sơ đồ, như Malezke đề nghị qua mô hình phân tích năm 1963, vô cùng rắc rối, vô số mũi tên xuôi ngược và các điểm chốt. Khi vẽ ra sơ đồ bạn sẽ thấy một nhóm độc giả nhất định sẽ có điểm chung với một nhóm người phát tin nhất định, vì thông tin là một quá trình mã hóa và giải mã (code and decode) theo như ách nhìn của Schramm 1954. Tại vậy nên bạn thấy TN, TT đang ngon nhưng Pháp Luật vẫn có cửa ra báo ngày, SGGP có cửa ra báo chiều, còn ANTG thì lấn sân KTNN và TGM chứ không ảnh hưởng gì tới CA tp.HCM. 600 tờ báo ở VN vẫn có thể chia thành nhiều nhóm khác nhau, theo nhiều loại ‘thể chế’ khác nhau. Suy nghĩ theo kiểu này bạn sẽ dễ dàng giải thích tại sao Sài Gòn Giải Phóng mở văn phòng ngoài Hà Nội và Hà Nội Mới cũng lập chi nhánh trong Sài Gòn.

Nói chung là còn nhiều loại mô hình lắm, mà đây mới chỉ là 1 trong số 4 cấu trúc cơ bản thôi, phát triển dần theo sự bùng nổ của ngành truyền thông. Mình chịu khó liệt kê ra một số loại để chứng minh rằng trong cùng một ‘thể chế chính trị’ có thể tồn tại nhiều ‘thể chế truyền thông’ khác nhau, cùng đi lề bên phải. Đó là chưa kể truyền thông còn có thể hoạt động trong ‘thể chế kinh tế’, ‘thể chế văn hóa’ (khái niệm cũng vô cùng mới ở VN) và ‘thể chế tư tưởng’ (ideology) nữa. Mà đây mới chỉ nói riêng về tin tức, hữu dụng cho các bạn viết báo chuyên về news và feature (phóng sự). Còn một loại truyền thông nữa chỉ sống chuyên bằng giải trí (entertainment) thôi, và mình cũng có 1 đ/c thầy khác là chuyên gia số 1 cho ngành này ở Ba Lan, minh chứng bằng sự thành công của Polsat mà ổng là cố vấn đặc biệt, hôm nào hứng chí sẽ mang ra đây ‘phơi sách’ một bữa. Chỉ có một lời nhắn với cô bạn đã tranh luận với mình, nếu quan tâm đến nghiệp vụ làm báo khác với lối mòn amateur mà bạn đang theo đuổi, và ngại vì kém ngoại ngữ, thì có sẵn hai trang mạng tiếng Việt để bạn thỉnh thoảng vào đọc và suy nghĩ rồi tự nâng cấp kỹ năng của mình. Trước hết là trang Nghề Báo http://www.nghebao.com và tiếp nữa là Diễn đàn nghiệp vụ Báo chí Vn http://www.vietnamjournalism.com/. Nếu bạn muốn thử vốn tiếng Anh và muốn hiểu thêm về ‘thể chế truyền thông’ của mình thì bạn có thể vào đây http://www.bbctraining.com/onlineCourses.asp, cả một hệ thống đào tạo kỹ năng từ thấp đến cao cho bạn chọn lựa, có thể có nhiều khóa tốn tiền vô số kể nhưng bạn có thể tìm học bổng, và cũng có nhiều khóa miễn phí bạn có thể học qua mạng được.

Và ngay cả trong trường hợp đó thì các khái niệm cơ bản về mô hình làm báo mà mình đưa ra cũng sẽ rất hữu dụng cho các bạn. Bạn đừng nghĩ là báo phương Tây là giống nhau, là một loại ‘thể chế’, vì ngay cả báo Vn cũng đâu có giống nhau hết đâu. Cho nên dân Vn ra nước ngoài học làm báo ở Linz (Pháp) về, ở Mỹ (học bổng Fullbright hoặc Ford cũng khác nhau) về, hay ở Anh (học bổng Chevening) về là giống nhau đâu. Chưa tính đến bọn học làm báo ở Ba Lan như mình, hay ở các nước đông âu, Đức, Hàn, Trung Quốc hay Thái Lan nữa. Quan trọng là phải xem họ theo “thể chế” nào và từ đó sẽ lọc ra cái nào là kỹ năng có thể áp dụng được vào “thể chế” của mình. Và để hiểu được cái “thể chế” của họ thì cần phải tìm hiểu, và bắt đầu từ chỗ công nhận là chỉ có mình phục vụ thể chế của mình, còn họ chưa chắc phải phục vụ thể chế của họ, mà sẽ có cách nhìn khác với mình. Ngành báo Vn là học của phương Tây, đầu tiên là báo Pháp – thông cáo, công báo, pha với báo Trung (thông tấn xã – mô hình Anh) rồi kỹ thuật tuyên truyền sử dụng sociotechnic mà Stalin copy của Hitler, và bây giờ là đủ các kiểu ‘thể chế’ khác nhau, anh Khế dùng một đằng, học trò chị Hạnh lại chơi theo kiểu khác…

Tags: ,

8 Responses to “Mass Media”

  1. Con Đường Nhỏ Says:

    Công nhận là bạn có nhiều chữ thiệt đó…hehehehe..Đọc cũng rất thú vị!

  2. Con Đường Nhỏ Says:

    Công nhận là bạn có nhiều chữ thiệt đó…hehehehe..Đọc cũng rất thú vị!

  3. Malibu Says:

    always interesting.

  4. Malibu Says:

    always interesting.

  5. HaoNhien Vu Says:

    Tớ lại trích bạn trong blog tớ

  6. HaoNhien Vu Says:

    Tớ lại trích bạn trong blog tớ

  7. cátkhuê Says:

    😦
    Bạn Hạo Nhiên với bạn Chaien hand job à quên blog job nhé!

  8. cátkhuê Says:

    😦
    Bạn Hạo Nhiên với bạn Chaien hand job à quên blog job nhé!

Leave a reply to cátkhuê Cancel reply